2022年12月21日 星期三

🌺Tìm hiểu chung về triều đại nhà Đường và thơ Đường

Nhà Đường ( 唐朝: táng cháo, Hán Việt: Đường triều)  (18 tháng 6, 618 – 1 tháng 6, 907) là một trong những triều đại huy hoàng của lịch sử Trung Quốc. Triều Đường tiếp nối sau nhà Tùy và trước thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc.

Nhà Đường được Đường Cao Tổ – Lý Uyên thành lập sau khi thâu tóm quyền hành khi nhà Tùy suy yếu rồi sụp đổ. Triều đại này bị gián đoạn 15 năm khi nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên nắm lấy quyền hành và lập ra nhà Võ Chu (8 tháng 10, 690 – 3 tháng 3, 705). Sau đó lại được tiếp tục cho đến năm 907 thì hoàn toàn suy tàn.

Nhà Đường với kinh đô Trường An (là thành phố đông dân nhất thời bấy giờ, nay là Tây An) được các nhà sử học coi là đỉnh cao trong văn minh Trung Hoa. Thời kỳ nhà Đường phần lớn là một giai đoạn tiến bộ, ổn định, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, giao thông thuận lợi. Nhưng vào giữa triều đại thì xảy ra loạn An Sử, từ đó nhà Đường ngày càng đi xuống.

Nhắc đến nhà Đường nhất định phải kể đến văn chương. Thời đó Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cùng tồn tại. Lại thêm từ tháng 11 năm 754 đến tháng 3 năm 763 loạn An Sử bùng nổ, trong 9 năm dài đằng đẵng đó đã khiến dân số nhà Đường giảm từ 8 ngàn vạn người xuống còn 1 ngàn 7 trăm vạn hơn. Chính cảnh biệt ly, nhà tan cửa nát đấy đã tạo nên vô số đề tài cho thơ ca. Ngoài ra thời nhà Đường các vị vua đều yêu thích thơ văn cũng đã thúc đẩy cho hoạt động tặng thơ tặng văn của thời nhà Đường.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển tiếp sớm ở thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế và Tùy Văn Đế chủ trương cải cách thơ ca. Bước tiến mới này đã đặt nền móng cho sự phát triển của thơ ca thời nhà Đường và cũng chính nhà Tùy là bước chuyển tiếp sang một giai đoạn mới của thơ ca Đường.

Từ đó, đây được coi là thời kì hoàng kim của thơ ca, biến Trung Quốc thành quốc đô của thơ ca.

4 giai đoạn lịch sử cùng các nhà thơ nổi tiếng đời Đường

  • Sơ Đường:(618-712): Tứ Kiệt, Vương Bột, Trần Tử Ngang, Dương Đồng, Lạc Tân Vương.
  • Thịnh Đường: (713-770): Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên.
  • Trung Đường: (771-835):  Bạch Cư Dị, Mạnh Dao, Lưu Vũ Tích.
  • Vãn Đường: (836-907): Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn.

1. Lý Bạch

Lý Bạch (李白: lǐbái) (701 – 762), tự Thái Bạch (太白: tài bái), hiệu Thanh Liên cư sĩ (青莲居士: qīng lián jūshì), ông sinh ra tại Lũng Tây, Cam Túc. Lý Bạch là một trong những nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng nhất thời Thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung.

Nhà thơ đường Lý Bạch
Nhà thơ đường Lý Bạch

Suốt cuộc đời của mình, ông được tán dương là một thiên tài về thơ ca, người đã mở ra một giai đoạn hưng thịnh của thơ Đường. Từ trẻ, ông đã xa gia đình để đi du lịch, tìm đường lập công danh sự nghiệp.

Ông cùng người bạn Đỗ Phủ trở thành hai biểu tượng thi văn lỗi lạc không chỉ trong phạm vi nhà Đường, mà còn trong toàn bộ lịch sử Trung Hoa.

Do sự lỗi lạc của mình, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên(诗仙: shī xiān) hay Thi Hiệp (诗侠: shī xiá). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙: jiǔxiān) hay Trích Tiên Nhân (谪仙人: zhé xiānrén). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上谪仙: tiānshàng zhé xiān).

Ở Việt Nam, Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch được đưa vào sách giáo khoa trở thành bài giảng cho học sinh.

2. Đỗ Phủ

Đỗ Phủ ( 杜甫: dùfǔ ) (712 – 770), tự Tử Mĩ (子美: zi měi), hiệu Thiếu Lăng dã lão (少陵野老: shǎo líng yělǎo ), Đỗ Lăng dã khách (杜陵野客: dù líng yě kè) hay Đỗ Lăng bố y (杜陵布衣:  dù líng bùyī ), ông là người Tương Dương, là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời kỳ nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc. Ông tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi Sử (诗史: shīshǐ) và Thi Thánh (诗圣: shī shèng).

Nhà thơ Đỗ Phủ
Nhà thơ Đỗ Phủ

Trong suốt cuộc đời của mình, ông muốn vì dân vì nước nhưng ông đã không thực hiện được điều này vì Loạn An Lộc Sơn năm 755. 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian biến động, có một thời gian ngắn ông làm quan nhưng gần như suốt cuộc đời sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật. Có tin đồn ông mất trên một con thuyền nát ngoài xa.

Ông thường cùng Lý Bạch được gọi là Lý Đỗ (李杜:  lǐ dù). Về sau, có Lý Thương Ẩn cùng Đỗ Mục trứ danh thời Vãn Đường, được gọi là Tiểu Lý Đỗ (小李杜: xiǎo lǐ dù) để phân biệt. Từ thời nhà Thanh, Đỗ Phủ được gọi là Lão Đỗ (老杜: lǎo dù) để phân biệt với Đỗ Mục. Ngoài ra cặp Lý Bạch-Đỗ Phủ được gọi là Đại Lý Đỗ (大李杜: dà lǐ dù).

3. Bạch Cư Dị

Bạch Cư Dị (白居易: báijūyì) (772 – 846), biểu tự Lạc Thiên (乐天: lètiān), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士: xiāngshān jūshì), Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生: zuì yín xiānshēng ) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (广大教化主: guǎngdà jiàohuà zhǔ), ông người gốc Thái Nguyên, Sơn Tây, sau di cư tới huyện Vị Nam, Thiểm Tây. Bạch Cư Dị là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.

Nhà thơ Bạch Cư Dị
Nhà thơ Bạch Cư Dị

Thơ của ông có sức ảnh hưởng lớn không chỉ tuyên truyền trong dân gian mà còn lan sang ngoại quốc như Tân La, Nhật Bản.

Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến Trường hận ca, Tỳ bà hành, Tần trung ngâm,.. và Dữ nguyên cửu thư.

Tài liệu được tham khảo tại: Wikipedia Việt Nam

沒有留言:

張貼留言